Bình luận Vụ_hạ_giàn_khoan_Hải_Dương_981

Việt Nam

  • Trần Sơn Lâm, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ cho là, "...Trung Quốc thường gây ra các vụ xung đột nhằm kích động tinh thần dân tộc để đoàn kết nhân dân trong nước, củng cố nội bộ và tập trung dư luận trong nước vào các cuộc xung đột này... Nếu việc dựng giàn khoan Hải Dương 981 thành công, Trung Quốc sẽ thực hiện chiến dịch vết dầu loang với việc độc chiếm Biển Đông. Và không dè chừng sẽ chiếm cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với triết lý chân lý thuộc về kẻ mạnh và cuối cùng Trung Quốc sẽ độc chiếm Biển Đông".[176]
  • Theo tác giả Nguyễn Trọng Bình, đây là một bước tiến mới nằm trong chiến lược lâu năm của Trung Quốc để kiểm soát vùng Biển Đông, theo chiêu bài "trồng tre nẩy măng".[177]

Trung Quốc

  • Giáo sư Cung Nghênh Xuân (龚迎春) thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc cho rằng tuyên bố chủ quyền của Việt Nam là không vững chắc. Ông cho rằng địa điểm giàn khoan "rõ ràng" nằm trong "vùng biển ngoài khơi của Trung Quốc" vì nó cách đảo Trung Kiến (đảo Tri Tôn) chỉ 17 dặm trong khi nó cách bờ biển Việt Nam đến 150 dặm, "mặc dù hiện chưa có phân giới chính thức giữa Trung Quốc và Việt Nam tại khu vực này". Ông cũng nói rằng điều 56 và 60 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 cho phép Trung Quốc khai thác tại vùng biển Tây Sa (Hoàng Sa). Theo ông, việc Việt Nam đem tàu có vũ trang đến đụng độ với tàu Trung Quốc cho thấy rõ ý đồ muốn đụng đầu với Trung Quốc và bịt mắt lại đối với tình hình quan hệ Trung-Việt.[178]
  • Giáo sư Chu Phương Ngân thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông, cho rằng Việt Nam đam mê chủ nghĩa dân túy, trong xử lý vấn đề biểu tình ôn hòa dẫn đến bạo động, cho rằng "mâu thuẫn xã hội rất sắc nét bên trong Việt Nam" trước bối cảnh kinh tế chậm chạp, và "Vấn đề Biển Đông Việt Nam không thể là một thứ thuốc chữa bách bệnh cho chính phủ để giải quyết vấn đề trong nước".[179]
  • Nhà nghiên cứu Wang Qiang của Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, trong một bài viết trên tờ Hoàn Cầu Thời báo, cho biết Việt Nam cần chịu sự sửa chữa từ người anh em là Trung Quốc. Ông nói "nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không nhận thấy âm mưu đằng sau các thế lực thù địch quốc tế hoặc để yên các thế lực chủ nghĩa dân tộc và chống Cộng, an ninh quốc nội và trật tự xã hội sẽ phải gặp thêm mối đe dọa và hỗn loạn". Ông kêu gọi Đảng hai nước tăng cường hợp tác, và đợi đến khi thời gian chín mùi thì mới cùng nhau chia sẻ các lý thuyết về việc "phi chính trị hóa quân đội", "cơ cấu đa đảng", "tam quyền phân lập", để thống nhất tư tưởng trong Đảng.[180]

Thế giới

  • Học giả Andrew Billo - chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á thuộc Hội châu Á (Asia Society) - cho rằng "Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 thăm dò dầu khí vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam là sự vi phạm rõ ràng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982".[181]
  • Chuyên gia Ernest Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ cho rằng, ngoài việc vi phạm UNCLOS, hành động đơn phương của Trung Quốc là trái với Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã thông qua với ASEAN vào năm 2002.[182]
  • Học giả Carlyle A. Thayer - giáo sư danh dự Đại học New South Wales - cho đó là "hành động khiêu khích, xâm phạm vùng biển đặc quyền này của Việt Nam theo luật pháp quốc tế".[183]
  • Ký giả kỳ cựu Keith Johnson trong một bài bình luận đăng trên Foreign Policy đã cho rằng Hải Dương 981 đang được Trung Quốc sử dụng như một "lãnh thổ quốc gia di động", để từng bước thay đổi hiện trạng, từ đó xiết chặt gọng kìm khống chế tại Biển Đông.[184][185]
  • Tờ The New York Times - một trong những tờ báo lớn nhất Hoa Kỳ - trong một bài xã luận bày tỏ quan điểm chính thức của tờ báo nhan đề "Trouble in the South China Sea" đăng ngày 9 tháng 5, đã ủng hộ quan điểm của Việt Nam, cho rằng luận điểm của Trung Quốc không thuyết phục và kêu gọi Việt Nam và các nước láng giềng có sự phản ứng thống nhất đối với "hành động gây hấn" của Trung Quốc.[186]
  • Tờ Asahi Shimbun (Triều Nhật Tân văn) - một trong những tờ báo lớn nhất Nhật Bản - trong một bài xã luận đăng ngày 9 tháng 5, kêu gọi phía Trung Quốc phải "lập tức chấm dứt" hoạt động khai thác dầu mỏ trên Biển Đông, và cho rằng hành động của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được". Tờ báo đồng ý với quan điểm của Việt Nam rằng địa điểm khai thác hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cho rằng Trung Quốc không có quyền đơn phương khai thác trong khu vực tranh chấp.[187][188]
  • Tờ The Christian Science Monitor - một tờ báo lớn của Hoa Kỳ - trong một bài xã luận đăng ngày 8 tháng 5 đã ví các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông với các hành động của Nga tại Ukraina. Tờ báo cho rằng Việt Nam, như Ukraina, là đối tượng bị cường quốc láng giềng xâm chiếm vì các nước này không tham gia liên minh tương trợ quân sự với các nước dân chủ ở châu Áchâu Âu. Tờ báo kêu gọi Việt Nam dân chủ hóa, tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm, để gia nhập các khối liên minh quân sự thì mới khỏi bị Trung Quốc dòm ngó.[189]
  • Tờ Oman Tribune - một tờ báo tiếng Anh có ảnh hưởng tại Oman - trong một bài xã luận đã viết rằng Trung Quốc là phía gây hấn trong việc thay đổi hiện trạng bằng cách đưa giàn khoan khai thác vào. Tờ báo cho rằng "Bắc Kinh không qua mắt được ai trong việc đổ trách nhiệm về căng thẳng vào Hoa Kỳ".[190]
  • Tờ The Washington Post - một tờ báo lớn có ảnh hưởng xuất bản tại thủ đô Hoa Kỳ - trong một bài xã luận đăng ngày 12 tháng 5 đã đánh giá tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại nơi đặt giàn khoan là "mỏng manh" hơn Việt Nam và cho rằng bản đồ chín đoạn của Trung Quốc là "táo bạo". Tờ báo cho rằng Trung Quốc có những hành động đơn phương vì họ tính toán rằng các hành động đó sẽ không đem lại sự chống cự có ý nghĩa từ các nước láng giềng hay Hoa Kỳ. Tờ báo cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành động đơn phương trong khu vực cho đến khi gặp phải chống cự có phối hợp trên phương diện ngoại giao hay quân sự.[191]
  • Tờ Financial Times - một tờ báo tài chính lớn xuất bản tại Anh - trong một bài xã luận đăng ngày 13 tháng 5, cho rằng "Bắc Kinh rõ ràng chịu trách nhiệm chính về việc đột ngột tăng căng thẳng", nhưng cũng kêu gọi "Việt Nam nên cảnh giác để khỏi châm ngòi một cuộc chiến với Trung Quốc, khi xét đến sức mạnh quân sự của Trung Quốc". Tờ báo cho rằng phản ứng của ASEAN là "yếu đuối" và kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông ngưng khai thác dầu mỏ trong vùng biển tranh chấp hoặc chia sẻ chiến lợi phẩm.[192]
  • Tờ Pittsburgh Post-Gazette - một tờ báo lớn xuất bản tại Hoa Kỳ - trong một bài xã luận đăng ngày 13 tháng 5, cho rằng Hoa Kỳ không nên can thiệp vào vụ này. Tờ báo nhận xét thất bại của Việt Nam trong việc tìm sự ủng hộ trong khối ASEAN đã đặt ra câu hỏi liệu các nước trong khu vực có đặt nặng mối đe dọa bị Trung Quốc bắt nạt không. Tờ báo hỏi "Nếu các nước gần Trung Quốc không dám đồng loạt lên tiếng bảo vệ lợi ích của họ trong vấn đề chủ quyền, tại sao Hoa Kỳ phải làm vậy?" [193] Sau khi các cuộc bạo động diễn ra, tờ báo nhấn mạnh lại quan điểm vào một bài xã luận đăng ngày 16 tháng 5, "sự phức tạp của vấn đề Đông Nam Á này, kể cả những khía cạnh nội bộ Việt Nam, nên là một lời cảnh báo đến Hoa Kỳ nên đứng ra ngoài".[194]
  • Tờ The Straits Times - tờ báo lớn nhất Singapore - trong một bài xã luận đăng ngày 15 tháng 5, kêu gọi Trung Quốc kềm chế các hành động của mình. Tờ báo viết việc đâm vào và phun nước đến tàu tuần tra Việt Nam "chính là sự khiêu khích có thể sẽ leo thang biến thành một cái gì lớn hơn ý muốn" của Trung Quốc.[195]
  • Tờ Jakarta Globe, một tờ báo tiếng Anh xuất bản tại Indonesia, trong một bài xã luận đăng ngày 15 tháng 5, viết "Chúng tôi lên án những cuộc tấn công vào người Trung Quốc tại Việt Nam, và yêu cầu chính quyền Việt Nam bảo vệ người nước ngoài trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng đều kêu gọi Trung Quốc mở đối thoại và chấm dứt bắt nạt các nước láng giềng".[196]
  • Tờ Yomiuri Shimbun (Độc Mại Tân văn) - tờ báo có lượng phát hành lớn nhất Nhật Bản và thế giới - trong một bài xã luận đăng ngày 20 tháng 5, cho rằng "các hành động tự tư tự lợi của Trung Quốc đã làm xói mòn sự ổn định châu Á - Thái Bình Dương". Tờ báo nói rằng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã đi quá trớn, và nhắc đến các vụ biểu tình ở Trung Quốc phá hoại các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn không được bồi thường.[197][198]
  • Tờ báo Anh ngữ Bangkok Post - tờ báo lâu đời nhất Thái Lan - trong một bài xã luận đăng ngày 26 tháng 5, cho rằng vụ bạo động ở Việt Nam là vì các hành động "không thể chịu được" của Trung Quốc. Tờ báo cho rằng "Hà Nội phải có biện pháp dọn dẹp tình hình này, mà phần lớn nếu không phải là hoàn toàn do lỗi của họ". Tờ báo nói thêm "các vụ đốt nhà và gây hỏa của đám đông ở miền Nam Việt Nam không thể ủng hộ được, nhưng trong bối cảnh bị Trung Quốc phiền nhiễu, nó có thể hiểu được".[199]
  • Tờ The Globe and Mail - một trong những tờ báo lớn nhất Canada - trong một bài xã luận đăng ngày 29 tháng 5, cho rằng vụ nay nên được giải quyết trong Tòa án Trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration) ở Den Haag. Tờ báo nói thêm "Bắc Kinh không cần phải tranh giành từng kilômét vuông trong vùng biển tranh chấp... Nó không thêm được gì trong việc giành được một vài kilômét vuông của biển hay đá".[200]
  • Tờ Myanmar Times đăng bài của ký giả Roger Mitton, được BBC dịch ra tiếng Việt, có trích lời của Edmund Malesky, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Duke, Hoa Kỳ cho là: "Ban lãnh đạo Việt Nam bị giằng xé về quan hệ với Trung Quốc". Theo quan điểm Mitton, sau khi Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì đến thăm Việt Nam, phe thân Tàu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắng thế: "Kết quả là, một chuyến thăm dự tính xảy ra trong tháng này của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sang Hoa Kỳ đã bị xếp lại. Về cơ bản, Hà Nội đã đầu hàng. Sẽ không có thêm cuộc biểu tình nào cả, cũng chẳng có chuyện khiếu nại gì lên Liên Hợp Quốc, không có diễn tập quân sự với Hoa Kỳ và cũng không đi đầu một khối ASEAN thống nhất chống lại Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc đã đưa thêm một giàn khoan vào khu vực lãnh hải tranh chấp và nói họ có kế hoạch đưa thêm khoảng 50 giàn khoan nữa trong những năm tới. Và đó là điều Trung Quốc sẽ làm".[201][202]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ_hạ_giàn_khoan_Hải_Dương_981 http://www.dfat.gov.au/media/releases/department/2... http://www.international.gc.ca/media/aff/news-comm... http://usa.chinadaily.com.cn/world/2014-06/13/cont... http://bbs1.people.com.cn/post/1/1/2/139180994.htm... http://news.sina.com.cn/pl/ng%C3%A0y http://vietnamese.cri.cn/421/2014/05/09/1s198575.h... http://vietnamese.cri.cn/421/2014/05/09/1s198575.h... http://vietnamese.cri.cn/421/2014/05/16/1s198808.h... http://www.globaltimes.cn/content/867268.shtml http://www.fmprc.gov.cn/mfa_chn/fyrbt_602243/t1155...